IRR hay tỉ lệ hoàn vốn nội bộ là một trong những phương pháp quan trọng để đánh giá một dự án, giúp các nhà đầu tư dễ dàng lựa chọn được dự án có khả năng sinh lời tối ưu dù số tiền đầu tư ban đầu là như nhau . Vậy, phương pháp này là gì, cách tính IRR ra sao, hãy cùng tìm hiểu qua nội dung dưới đây nhé!
Nội dung chính
Tỉ lệ hoàn vốn nội bộ IRR là gì ?
Tỉ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) là một số liệu được sử dụng để ước tính khả năng sinh lời của các khoản đầu tư tiềm năng. Đây là phương pháp được các nhà đầu tư sử dụng để đánh giá mức độ cần thiết của một dự án, nó là tỉ lệ lợi nhuận được sử dụng trong lập ngân sách vốn để đo lường, so sánh với các lợi nhuận đầu tư.
Sở dĩ thuật ngữ này còn có thêm cụm từ nội bộ là bởi, trong quá trình tính toán thực tế người ta sẽ không đề cập đến các yếu tố môi trường như lãi suất, lạm phát…
IRR còn có những tên gọi khác như tỉ lệ hoàn vốn dòng tiền chiết khấu (DCFROR) hay tỉ lệ hoàn vốn (ROR). IRR của một dự án càng cao thì mong muốn để thực hiện dự án càng nhiều, điều này cũng có nghĩa với cùng một số vốn đầu tư ban đầu, dự án có IRR cao nhất thì sẽ được đánh giá cao và ưu tiên thực hiện trước hết.
Công thức tính tỉ lệ hoàn vốn nôi bộ IRR
Giá trị hiện tại thuần (NPV)
Giá trị hiện tại thuần NPV là một công cụ trung tâm trong việc phân tích dòng tiền chiết khấu (DCF), là phương pháp tiêu chuẩn để thẩm định các dự án dài hạn thông qua việc sử dụng giá trị thời gian của đồng tiền đầu tư.
NPV là giá trị mà các nhà đầu tư sẽ thu được sau khi đã chiết khấu tất cả dòng tiền vào và dòng tiền ra của dự án, dựa trên mức chi phí vốn đã chọn hay tỉ suất lợi nhuận vốn mục tiêu. Nói cách khác, phương pháp này sẽ cho phép so sánh giá trị hiện tại (PV) của dòng tiền đầu tư vào với giá trị hiện tại của dòng tiền ra trong cùng một dự án.
Công thức tính giá trị hiện tại thuần:
NPV = PV của dòng tiền vào – PV của dòng tiền ra
Công thức tính IRR
Tỉ lệ hoàn vốn nội bộ được thể hiện bằng mức lãi suất mà nếu dùng nó để quy đổi dòng tiền tệ cảu dự án, thì giá trị hiện tại thực thu bằng giá trị hiện tại thực chi. Nói cách khác, IRR chính là nghiệm của phương trình NPV = 0
Công thức tính IRR
Trong đó:
Ct là dòng tiền thuần trong giai đoạn t
C0 là tổng chi phí đầu tư ban đầu
IRR là tỉ suất hoàn vốn nội bộ
t là các mốc thời gian
Để tính toán IRR, người ta sẽ đặt NPV bằng 0 và giải quyết tỉ lệ chiết khấu (r). Tuy nhiên, do bản chất của công thức, IRR không thể được tính toán bằng các phương pháp tính toán thông thường mà phải thông qua phương pháp thử nghiệm và sai số (tiếng anh là Trial and Error, là việc thực hiện đi thực hiện lại cho đến khi thành công, hoặc người thực hiện quyết định dừng lại), hoặc sử dụng phần mềm được lập trình để tính toán IRR.
Ý nghĩa của IRR
Mặc dù tỉ lệ hoàn vốn thực tế khi một dự án hoàn tất tạo ra thường sẽ khác với IRR ước tính ban đầu của nó, thế nhưng rõ ràng là IRR cao vẫn đáng để đầu tư hơn hẳn so với những dự án khác có cùng số tiền vốn.
Một trong những ứng dụng phổ biến của IRR là so sánh lợi nhuận của việc thiết lập các hoạt động mới với việc mở rộng các hoạt động hiện có. Ví dụ, một công ty năng lượng có thể sử dụng IRR trong việc quyết định mở nhà máy điện mới, hay họ sẽ cải tạo và mở rộng nhà máy hiện có trước đây.
Mặc dù cả hai dự án đều có khả năng gia tăng giá trị cho công ty, nhưng IRR sẽ cho biết đâu là sự lựa chọn tối ưu nhất cho doanh nghiệp đó.
IRR cũng hữu ích cho các tập đoàn trong việc đánh giá hoạt động mua bán cổ phiếu của mình. Rõ ràng, nếu một công ty phân bổ một khoản đáng kể để mua lại cổ phiếu, phân tích phải chỉ ra rằng cổ phiếu của công ty là một khoản đầu tư tốt hơn (có IRR cao hơn) so với bất kỳ việc sử dụng vốn nào cho các dự án khác, hoặc cao hơn bất kỳ giao dịch mua lại nào với giá thị trường hiện tại.
Ví dụ về việc sử dụng IRR
Về lý thuyết, bất kỳ dự án nào có IRR lớn hơn chi phí vốn của nó đều mang lại lợi nhuận. Vậy nên, thực hiện những dự án như vậy sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho công ty. Trong kế hoạch đầu tư dự án, các công ty thường sẽ thiết lập tỉ lệ hoàn vốn yêu cầu (RRR), để xác định tỉ lệ hoàn vốn tối thiểu chấp nhận được mà khoản đầu tư phải tạo ra.
Bất kỳ dự án nào có IRR vượt quá RRR sẽ được coi là có lợi nhuận, mặc dù các doanh nghiệp không nhất thiết phải theo đuổi một dự án trên cơ sở này. Thay vào đó, họ có thể sẽ theo đuổi các dự án có sự khác biệt cao nhất giữa IRR và RRR, bởi chúng có khả năng mang lại lợi nhuận cao nhất.
IRR trong thực tế được tính toán bằng thử nghiệm và sai số do không có cách phân tích để tính toán khi NPV bằng không. Máy tính hoặc phần mềm như Excel có thể thực hiện quy trình thử nghiệm và sai số này cực kỳ nhanh chóng.
Ví dụ, hãy giả sử rằng bạn muốn mở một cửa hàng bánh pizza. Bạn ước tính tất cả các chi phí và thu nhập trong hai năm tiếp theo, sau đó tính giá trị hiện tại ròng cho doanh nghiệp ở các mức chiết khấu khác nhau. Với 6%, bạn nhận được NPV là 2.000 USD.
Nhưng NPV cần bằng 0, vì vậy bạn hãy thử tỉ lệ chiết khấu cao hơn, giả sử lãi suất 8%: Ở mức 8%, tính toán NPV của bạn mang lại cho bạn khoản lỗ ròng 1.600 USD, rõ ràng điều này là không tốt một chút nào. Vậy nên, bạn hãy thử tỉ lệ chiết khấu ở giữa hai mức nói trên, tức lãi suất đạt 7%, khi đó bạn nhận được NPV là 15 đô la.
Ưu nhược điểm IRR
Dự án có tỉ lệ IRR lớn hơn lãi giới hạn định mức sẽ khả thi hơn về tài chính. Trong trường hợp có nhiều dự án cạnh tranh với nhau, dự án nào có IRR cao nhất sẽ được các nhà đầu tư lựa chọn vì nó có khả năng sinh lời cao hơn. Có thể nói, IRR là rất quan trọng, vậy ưu nhược điểm của chỉ số này sẽ là gì?
Ưu điểm của IRR
Ưu điểm của phương pháp tính tỉ lệ hoàn vốn nội bộ IRR chính là nó dễ tính toán, không phụ thuộc vào chi phí vốn, có thể cho biết khả năng sinh lời của dự án theo tỉ lệ % nên rất thuận tiện cho việc so sánh cơ hội đầu tư.
Bên cạnh đó, IRR cũng cho biết lãi suất tối đa mà dự án có thể chấp nhận được, nhằm đảm bảo rằng nguồn vốn mà doanh nghiệp sử dụng đạt được hiệu quả tốt nhất. Trong trường hợp vượt quá mức lãi suất đó, đây được xem là trường hợp kém hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn. Vậy nên, nhờ IRR mà các nhà đầu tư có thể xác định và lựa chọn lãi suất phù hợp cho dự án mà họ có ý định đầu tư.
Nhược điểm của IRR
Có thể thấy rằng, việc tính toán tỉ lệ hoàn vốn nội bộ IRR không quá phức tạp nhưng lại tiêu tốn nhiều thời gian. Như đã đề cập bên trên, IRR không thể được tính toán theo cách thông thường mà phải thông qua phương pháp thử nghiệm và sai lầm, tức được thực hiện lặp lại nhiều lần cho đến khi thành công hoặc nhà đầu tư quyết định dừng lại.
IRR không được tính toán trên cơ sở chi phí sử dụng vốn, vậy nên nó có thể dẫn đến việc nhận định sai về khả năng sinh lời của dự án. Trong trường hợp có các dự án loại bỏ nhau, sử dụng IRR để chọn có thể dẫn đến việc bỏ qua dự án có quy mô lãi ròng lớn.
Sẽ rất khó xác định IRR nếu dự án có đầu tư bổ sung lớn, khi đó NPV sẽ bị thay đổi dấu nhiều lần hơn so với thông thường.
So sánh NPV và IRR
Có thể thấy rằng, IRR do được thể hiện bằng tỉ lệ % nên thường sẽ dễ hình dung hơn, còn NPV do thể hiện bằng số tiền cụ thể nên sẽ khó diễn dịch hơn. Đó cũng là lý do vì sao người ta dùng cả 2 cách để đánh giá.
Nếu xem xét cả hai chỉ số này trong một điều kiện, người ta có thể sẽ thu được cùng một kết quả. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp thì IRR lại không hiệu quả bằng NPV trong việc tính toán. Ưu điểm những cũng đồng thời là hạn chế của IRR chính là, phương pháp này chỉ sử dụng một tỉ lệ chiết khấu để đánh giá tất cả các dự án đầu tư.
Điều này sẽ giúp đơn giản hóa quá trình tính toán, tuy nhiên trong một số trường hợp sẽ dẫn đến sai lệch. Nếu đánh giá các dự án đầu tư có điều kiện tương đồng về tỉ lệ chiết khấu, thời gian thực hiện… thì IRR sẽ là một phương pháp đánh giá hiệu quả.
Mặc dù vậy, tỉ lệ chiết khấu lại là một con số đầy biến động, nó luôn thay đổi theo thời gian nhưng IRR lại không tính đến sự thay đổi này, nên nó sẽ không còn phù hợp để tính toán cho những dự án dài hạn.
Trong khi đó, NPV lại cho phép các nhà đầu tư có thể sử dụng các tỉ lệ chiết khấu khác nhau mà không dẫn đến sai lệch. Đồng thời, không cần phải so sánh NPV với các chỉ số khác, nếu NPV > 0 thì có nghĩa đây là một dự án khả thi về mặt tài chính. Điều này cũng có nghĩa, NPV sẽ chính xác hơn cho các dự án dài hạn.
Ngoài ra, cũng có thể thấy rằng phương pháp IRR được sử dụng nhiều hơn, đó là bởi vì quy trình tính toán của nó đơn giản hơn so với NPV rất nhiều. IRR sẽ giúp đơn giản hóa một dự án thông qua một con số duy nhất, nhờ đó mà các nhà đầu tư có thể dễ dàng xác định khả năng sinh lời của một dự án.
Trên đây là những thông tin tổng quan về phương pháp IRR, cách tính, ý nghĩa cũng như những ví dụ trong thực tiễn, hy vọng rằng đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích và thú vị về tỉ lệ hoàn vốn nội bộ này.