Trong cuộc sống hiện đại, sự xuất hiện các tổ chức tín dụng và ngân hàng là điều không thể thiếu. Kéo theo đó ra đời rất nhiều khái niệm liên quan đến ngân hàng. Trong đó bảo lãnh là gì, có các loại bảo lãnh nào? Quy trình bảo lãnh ngân hàng diễn ra như thế nào? Đây là thắc mắc phổ biến của nhiều người. Vậy hãy cùng tìm hiểu những thông tin đó nhé.

Khái niệm bảo lãnh ngân hàng

Bảo lãnh ngân hàng là cam kết dưới dạng văn bản của bên bảo lãnh (các tổ chức tín dụng) đối với bên nhận bảo lãnh (bên có quyền) về việc thực hiện những nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh (khách hàng).

Bảo lãnh ngân hàng là gì và những điều cơ bản cần biết
Bảo lãnh ngân hàng là gì và những điều cơ bản cần biết

Điều này có nghĩa là khi khách không thực hiện hay thực hiện không đúng những nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh. Ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm thanh toán số tiền trong phạm vi nhất định được ghi rõ trong giấy bảo lãnh.

Thông thường, bảo lãnh ngân hàng sẽ cho phép khách hàng mua hàng hóa, thiết bị hoặc là vay tiền để mở rộng hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn như khi công ty A tham gia cuộc đấu thầu xây dựng công trình. Để đảm bảo công ty không tiến hành xây dựng khi đã trúng thầu, tổ chức tín dụng B sẽ cấp chứng thư bảo lãnh dự thầu cho công A. Trong đó sẽ cam kết công ty A sẽ thực hiện công trình sau khi trúng thầu. Nếu bên A không làm thì tổ chức tín dụng sẽ trả toàn bộ chi phí cho phía tổ chức đấu thầu.

Đặc điểm của bảo lãnh ngân hàng

Bên cạnh việc tìm hiểu bảo lãnh là gì, bạn cũng nên hiểu rõ các đặc điểm của việc cam kết bảo lãnh. Điều này sẽ giúp bạn biết được có nên tham gia vào giao dịch này hay không. Dưới đây là một vài đặc điểm chính của bảo lãnh:

Tìm hiểu về các điểm đặc thù của bảo lãnh ngân hàng giúp khách hàng đưa ra các quyết định tốt hơn
Tìm hiểu về các điểm đặc thù của bảo lãnh ngân hàng giúp khách hàng đưa ra các quyết định tốt hơn
  • Bảo lãnh thực chất là cũng là một giao dịch thương mại hoặc hành vi thương mại có tính đặc thù. Hoạt động bảo lãnh luôn luôn được thực hiện bởi các tổ chức tín dụng và chủ yếu là các ngân hàng.
  • Trong quá trình bảo lãnh, tổ chức tín dụng không những có tư cách như là người bảo lãnh (giống với mọi chủ thể bảo lãnh khác trong bảo lãnh nghĩa vụ dân sự) mà còn được thêm tư cách như là một nhà kinh doanh ngân hàng.
  • Giao dịch bảo lãnh diễn ra có mục đích và tạo ra hai hợp đồng. Bao gồm hợp đồng dịch vụ bảo lãnh và hợp đồng cam kết bảo lãnh. Tuy hai bản hợp đồng này có mối quan hệ nhân quả và ảnh hưởng lẫn nhau nhưng vẫn độc lập về cả phương diện chủ thể cũng như phương diện quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các chủ thể.
  • Giao dịch bảo lãnh tại ngân hàng không phải giao dịch giữa hai bên, ba bên mà đó là giao dịch kép.
  • Bảo lãnh ngân hàng được xác lập và tiến hành dựa trên chứng từ. Tính chất chứng từ được thể hiện khi tổ chức tín dụng phát hành các cam kết bảo lãnh và khi người nhận bảo lãnh thực hiện các quyền yêu cầu hay khi tổ chức tín dụng bảo lãnh thực hiện các nghĩa vụ của người bảo lãnh. Tất cả các chủ thể này đều bắt buộc phải soạn bằng văn bản.
  • Bảo lãnh ngân hàng là loại hình bảo lãnh độc lập hay còn được gọi là bảo lãnh vô điều kiện.

Các loại bảo lãnh ngân hàng trên thị trường

Hiện nay có rất nhiều loại hình bảo lãnh tại các tổ chức tín dụng hay các ngân hàng phụ thuộc vào các cách phân loại khác nhau. Vậy bảo lãnh ngân hàng được chia như thế nào? Sự khác nhau giữa các loại bảo lãnh là gì?

Dựa vào phương thức phát hành

Đây là cách phổ biến nhất được sử dụng khi phân chia các loại bảo lãnh ngân hàng.

  • Bảo lãnh trực tiếp: Đây là loại bảo lãnh đơn giản nhất nhờ tính thích ứng nhanh chóng với hệ thống pháp luật nước ngoài. Thường được áp dụng trong việc kinh doanh trong nước và cả nước ngoài, tính cả các giao dịch xuyên biên giới tính từ thời điểm khách hàng yêu cầu bồi thường cho người nhận bảo lãnh.
 Cách phổ biến nhất để phân chia bảo lãnh ngân hàng là dựa vào phương thức phát hành
Cách phổ biến nhất để phân chia bảo lãnh ngân hàng là dựa vào phương thức phát hành
  • Bảo lãnh gián tiếp: Loại bảo lãnh này thường được áp dụng cho những hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Đặc biệt là khi đem lại lợi nhuận cho các cơ quan chính phủ hoặc đơn vị liên quan. Việc đảm bảo được thực hiện gián tiếp bởi một ngân hàng thứ hai, điển hình là các ngân hàng nước ngoài có trụ sở ở Việt Nam. Chính vì thế, phương pháp bảo lãnh gián tiếp không được chấp nhận tại một số nước bởi vấn đề pháp lý.
  • Bảo lãnh được xác nhận.
  • Đồng bảo lãnh

Dựa vào hình thức sử dụng

Ngoài ra, người ta cũng phân chia bảo lãnh ngân hàng theo hình thức sử dụng, bao gồm bảo lãnh có điều kiện và bảo lãnh vô điều kiện.

Dựa vào mục đích sử dụng

Nhiều tổ chức tín dụng và ngân hàng cũng phân loại bảo lãnh dựa vào nhu cầu sử dụng. Có rất nhiều mục đích sử dụng các bảo lãnh. Tiêu biểu nhất có thể kể đến bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh vay vốn hay bảo lãnh đảm bảo hoàn tiền ứng trước, bảo lãnh đảm bảo chất lượng sản phẩm theo quy định trong hợp đồng,….

Quy trình bảo lãnh ngân hàng diễn ra như thế nào?

Các bước tiến hành bảo lãnh vô cùng nhanh chóng và đơn giản. Khách hàng chỉ cần thực hiện theo quy trình 6 bước sau đây:

Bước 1: Khách hàng ký hợp đồng với các đối tác theo mục đích cần bảo lãnh như để thanh toán, xây dựng hay dự thầu. Bên đối tác yêu cầu cần phải có cam kết bảo lãnh từ ngân hàng.

Bước 2: Khách hàng lập và gửi bộ hồ sơ yêu cầu bảo lãnh đến ngân hàng. Hồ sơ bao gồm: giấy đề nghị bảo lãnh, các giấy tờ pháp lý, hồ sơ mục đích, giấy tờ thể hiện tài chính kinh doanh.

Bước 3: Sau đó, ngân hàng sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ dựa trên tính đầy đủ hợp pháp, tính khả thi của dự án cần bảo lãnh, năng lực pháp lý của khách hàng, hình thức bảo đảm cũng như khả năng tài chính của khách hàng. Nếu chấp nhận yêu cầu, ngân hàng và khách hàng sẽ ký kết hợp đồng cấp bảo lãnh và thư bảo lãnh.

Vậy hợp đồng bảo lãnh là gì? Đây là một bản hợp đồng độc lập với hợp đồng thương mại giữa khách hàng và đối tác. Hợp đồng bảo lãnh ngân hàng chính là cơ sở thể hiện ràng buộc về nghĩa vụ tài chính giữa hai bên. Nội dung cơ bản của hợp đồng quy định về thời hạn bảo lãnh, số tiền, các điều khoản vi phạm hợp đồng, các hình thức bảo lãnh cũng như chi phí bảo lãnh,…

Quy trình đăng ký và thực hiện bảo lãnh ngân hàng diễn ra rất đơn giản, nhanh chóng
Quy trình đăng ký và thực hiện bảo lãnh ngân hàng diễn ra rất đơn giản, nhanh chóng

Bước 4: Ngân hàng gửi thông báo thư bảo lãnh đến bên nhận bảo lãnh. Trong thư bảo lãnh sẽ nêu rõ các nội dung cơ bản trong hợp đồng cấp bảo lãnh, các tài liệu mà bên nhận bảo lãnh cần chuẩn bị để chứng minh sự vi phạm hợp đồng. Ngoài ra, thư cũng quy định cách thức chi trả của ngân hàng như mở thư tín dụng hoặc ký hối phiếu nhận nợ.

Lưu ý cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa hợp đồng cấp bảo lãnh (là cam kết giữa ngân hàng và khách hàng) và thư bảo lãnh (là văn bản mà ngân hàng chuyển cho bên nhận bảo lãnh).

Bước 5: Ngân hàng thực hiện các nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh trong trường hợp xảy ra nghĩa vụ.

Bước 6: Ngân hàng yêu cầu khách hàng (bên được bảo lãnh) thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với ngân hàng. Bao gồm trả nợ gốc, lãi suất và phí bảo lãnh. Trong trường hợp bên được bảo lãnh vi phạm các nghĩa vụ được quy định, ngân hàng sẽ tiến hành trả thay và hạch toán nợ vay bắt buộc theo lãi suất nợ quá hạn.

Phí bảo lãnh ngân hàng là gì?

Một trong những khái niệm nữa cần phải biết về bảo lãnh ngân hàng là phí bảo lãnh. Công thức tính phí như thế nào?

Nếu bạn chưa biết phí bảo lãnh là gì thì đây là chi phí mà khách hàng (bên được bảo lãnh) phải trả cho ngân hàng để được hưởng dịch vụ này. Chi phí này phải đảm bảo bù đắp được các chi phí mà ngân hàng bỏ ra, tính cả các rủi ro mà ngân hàng có thể phải chịu. Khi xét bảo lãnh dưới hình thức một sản phẩm dịch vụ thì phí bảo lãnh là giá của sản phẩm.

Phí bảo lãnh có thể được tính theo số tuyệt đối cũng như tính trên cơ sở tỷ lệ phí. Công thức để tính lệ phí bảo lãnh là:

Phí bảo lãnh = Số tiền bảo lãnh * Tỷ lệ phí * Thời gian bảo lãnh

Trong đó:

  • Số tiền bảo lãnh: là khoản tiền mà ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác cam kết trả thay cho bên được bảo lãnh khi không thực hiện đúng theo hợp đồng được ghi.
  • Tỷ lệ phí (%): Tỷ lệ này sẽ được quy định khác nhau tùy thuộc vào từng loại bảo lãnh, từng ngân hàng cũng như từng quốc gia khác nhau.
  • Phí bảo lãnh: Phí được tính vào phí dịch vụ nói chung trong ngân hàng và đóng góp trực tiếp vào phần lợi nhuận của ngân hàng.

Với xu hướng phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ tín dụng, không có gì ngạc nhiên khi có rất nhiều thắc mắc liên quan đến vấn đề bảo lãnh. Và một trong những câu hỏi phổ biến nhất là bảo lãnh là gì. Đây là một giao dịch quan trọng đối với doanh nghiệp, với cả ngân hàng và nền kinh tế nói chung. Việc bảo lãnh không chỉ tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất ra nhiều sản phẩm đáp ứng thị trường mà còn giúp tăng cường mối quan hệ thương mại.

 

 

5/5 - (1 bình chọn)