CIC – một hệ thống mà khi bạn chậm thanh toán vốn vay cho ngân hàng hoặc thanh toán chi phí cho thẻ tín dụng, không thể thanh toán tiền vay mua nhà, xe và phải thế chấp tài sản dẫn đến tình trạng nợ xấu sẽ bị hiển thị trên hệ thống này. Vậy cụ thể, CIC là gì và CIC hoạt động như thế nào? Tất cả sẽ được TCXD.VN giải đáp qua bài viết sau đây.
Nội dung chính
CIC là gì?
CIC là gì là câu hỏi được nhiều người thắc mắc trước khi thực hiện một hoạt động vay vốn ngân hàng hay mở thẻ tín dụng. CIC (viết tắt của Credit Information Center) – Trung tâm Thông tin tín dụng, là một tổ chức sự nghiệp nhà nước trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, được biết đến với những chức năng như sau:
- Thu nhận, lưu trữ, sau đó phân tích, xử lý và dự báo các thông tin tín phục vụ cho yêu cầu quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Thực hiện những dịch vụ về thông tin ngân hàng theo quy định của pháp luật hay Ngân hàng Nhà nước.
CIC được vận hành như thế nào?
Tiếp nối CIC là gì thì những đặc điểm trong hoạt động của CIC cũng là điều rất được quan tâm. Những thông tin về tên người vay, các khoản vay và quá trình thanh toán khoản vay sẽ được ngân hàng cung cấp cho CIC. Sau đó CIC tổng hợp các thông tin trên thành một cơ sở dữ liệu thống nhất, thông qua đó phản ánh lịch sử tín dụng của doanh nghiệp hoặc của từng cá nhân.
Trước khi cấp xét tín dụng cho khách hàng, ngân hàng sẽ truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu của CIC để kiểm tra, đánh giá và đưa ra quyết định cuối cùng.
Nợ xấu và phân loại các nhóm nợ trên hệ thống CIC
Gắn liền với CIC là gì là khái niệm về nợ xấu. Nợ xấu (hay còn được gọi là nợ quá hạn), là thuật ngữ dùng để chỉ người đi vay (có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp) không có khả năng thanh toán cả gốc và lãi khi đến kỳ hạn đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Khi khách hàng bị liệt kê vào nhóm nợ quá hạn của CIC, họ sẽ gặp phải nhiều khó khăn và rắc rối khi đi vay vốn ở các ngân hàng hoặc những tổ chức tín dụng.
Nhóm 1 – nhóm nợ đủ tiêu chuẩn
Theo phân loại trên hệ thống CIC, nhóm 1 sẽ là những cá nhân hoặc doanh nghiệp đạt những tiêu chuẩn sau:
- Những khoản nợ trong hạn được các tổ chức tín dụng đánh giá là có thể thanh toán gốc và lãi khi đến kỳ hạn cam kết.
- Những khoản nợ dưới 10 ngày, được tổ chức tín dụng đánh giá là có thể thu hồi gốc cùng lãi quá hạn, thanh toán đủ gốc và lãi vào đúng thời hạn còn lại.
Nhóm 2 – nhóm nợ cần lưu ý
Nhóm nợ cần lưu ý là những cá nhân hoặc doanh nghiệp có những đặc điểm sau đây:
- Những khoản nợ đã quá hạn trong vòng từ 10 đến 90 ngày.
- Những khoản nợ đã thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu.
Lưu ý: Đối với những doanh nghiệp, tổ chức điều chỉnh hạn trả nợ thì phải được thực hiện những hồ sơ đánh giá về khả năng thu hồi gốc và lãi khi đến kỳ hạn được điều chỉnh.
Nhóm 3 – nhóm nợ cho vay dưới tiêu chuẩn
Là những khách hàng có những đặc điểm sau đây trong các khoản vay:
- Là những khoản vay đã quá hạn trong vòng từ 91 đến 180 ngày.
- Những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu tiên (trừ những khoản nợ đã được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu theo như đã phân loại ở nhóm 2).
- Những khoản nợ được miễn lãi, giảm lãi do người vay không đủ khả năng thanh toán lãi.
Nhóm 4 – nhóm nợ cho vay có nghi ngờ
Là những khoản vay được xếp vào các đặc điểm sau đây:
- Là những khoản vay đã quá hạn trong vòng từ 181 ngày đến 360 ngày.
- Những khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu nhưng vẫn quá hạn trong thời gian dưới 90 ngày.
- Những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai.
Nhóm 5 – nhóm nợ cho vay có khả năng mất vốn
Nếu những khoản vay có các đặc điểm sau đây, khách hàng sẽ được xếp vào nhóm nợ cho vay có khả năng mất vốn trên hệ thống CIC.
- Những khoản nợ đã quá hạn trên 360 ngày.
- Những khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu nhưng quá hạn trong thời gian trên 90 ngày.
- Những khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai nhưng vẫn quá hạn thanh toán.
- Những khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba (dù chưa quá hạn hay đã bị quá hạn).
- Các khoản nợ khoanh và các khoản nợ chờ xử lý.
Những khoản nợ được các ngân hàng liệt vào nhóm nợ xấu theo như nghiệp vụ chuyên ngành là những khoản nợ nằm trong nhóm 3 – nhóm nợ cho vay dưới tiêu chuẩn, nhóm 4 – nhóm nợ cho vay có nghi ngờ và đặc biệt là nhóm 5 – nhóm nợ cho vay có khả năng mất vốn.
Khi được xếp vào 5 nhóm nợ của CIC, bạn sẽ gặp phải những bất lợi gì?
Bên cạnh CIC là gì cùng với nợ xấu là gì, bạn cần tìm hiểu cẩn thận về những tác hại khi được xếp vào các nhóm nợ của CIC. Như TCXD.VN đã đề cập từ trước, các thông tin về khoản vay và quá trình thanh toán của khách hàng sẽ được cung cấp cho CIC và hình thành một lịch sử tín dụng trên hệ thống.
Chính vì vậy, trước khi thực hiện một hoạt động vay vốn hoặc cấp tín dụng khác, nếu ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng tra được nợ xấu của bạn trên hệ thống, bạn sẽ gặp rất nhiều bất lợi, làm giảm rất nhiều khả năng vay vốn. Và đối với từng nhóm sẽ có nhiều mức độ khác nhau.
Những khoản vay ở nhóm 1 – nhóm 2
Khi được liệt vào nhóm 1 và nhóm 2 trên hệ thống của CIC, bạn cần thực hiện những điều sau trước khi vay vốn hoặc xin cấp tín dụng:
- Thanh toán tất cả những khoản nợ xấu bạn đang có hiện tại.
- Chứng minh khả năng hoàn trả vốn và lãi, chứng minh thu nhập ổn định tại thời điểm vay vốn.
- Được bảo lãnh khoản vay, bảo lãnh có đủ điều kiện vay tiền.
- Sở hữu tài sản thế chấp.
Những khoản vay ở nhóm 3 – nhóm 4 – nhóm 5
Khi bạn được liệt kê vào danh sách những khoản nợ xấu ở nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 thì tất cả các ngân hàng sẽ không hỗ trợ cho bạn vay vốn và cấp tín dụng dưới bất kỳ hình thức nào.
Đối với một số ngân hàng, phải mất 2 năm để điểm CIC của bạn trở lại mức bình thường, họ sẽ cho bạn vay nợ. Tuy nhiên, những ngân hàng khó hơn sẽ không cho vay tiền vĩnh viễn khi gặp khách hàng ở các nhóm nợ này.
Những lý do khiến bạn rơi vào tình trạng nợ xấu
Hiểu rõ được CIC là gì và những vấn đề về nợ xấu, tiếp theo, bạn cần nắm được lý do tại sao các khoản vay của bạn lại rơi vào tình trạng nợ xấu.
- Chậm, không thanh toán khoản vay trong liên tục vài tháng.
- Chậm, không thanh toán chi phí cho thẻ tín dụng.
- Mất khả năng thanh toán cho các khoản nợ vay, bị xử lý tài sản thế chấp.
- Không thanh toán nợ đối với những chủ nợ khác dẫn đến bị kiện ra tòa.
Nên làm thế nào để không rơi vào tình trạng nợ xấu?
Trả nợ đúng kỳ hạn
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến bạn rơi vào tình trạng nợ xấu là do không thanh toán các khoản vay đúng thời hạn. Để tránh rơi vào trường hợp trên, bạn có thể đăng ký những dịch vụ chuyển khoản tự động tại các ngân hàng.
Tính toán các chi phí để trả nợ
Trước khi vay vốn, hãy tính toán chi phí bạn phải trả mỗi tháng có vượt quá khả năng của bạn không, có ảnh hưởng đến chi tiêu cần thiết mỗi tháng không để tránh việc bị mất khả năng thanh toán, dẫn đến tình trạng nợ xấu nhé.
Như vậy, TCXD.VN mong rằng khi vay vốn và được cấp tín dụng, các bạn sẽ hiểu rõ CIC là gì cùng với một số lưu ý quan trọng để không rơi vào tình trạng nợ xấu. Hãy luôn nắm chắc tình hình tài chính của bản thân cũng như luôn thanh toán các khoản nợ đúng hạn để tránh bị từ chối cho vay vĩnh viễn nhé.