Hầu hết công ty nào cũng có vốn lưu động, bởi đây là yếu tố giúp cho quá trình kinh doanh của doanh nghiệp được vận hành liên tục. Việc hiểu rõ nguồn vốn này sẽ giúp cho doanh nghiệp có những quyết định đầu tư đúng đắn.
Vậy bạn đã biết cách sử dụng nguồn vốn lưu động như thế nào chưa? Bài viết dưới đây chúng tôi xin làm rõ khái niệm vốn lưu động là gì và cách quản lý vốn lưu động cho bạn tham khảo:
Nội dung chính
Vốn lưu động là gì ?
Vốn lưu động ( Working capital) là thước đo tài chính thể hiện thanh khoản hoạt động có sẵn của một doanh nghiệp, tổ chức, bao gồm các tổ chức chính phủ.
Có thể nói, việc đo lường vốn lưu động rất quan trọng với các nhà quản lý, nhà cung cấp và chủ nợ nói chung, vì nó cho thấy tính thanh khoản ngắn hạn của công ty cũng như khả năng quản lý sử dụng tài sản công ty một cách hiệu quả.
Vai trò của vốn lưu động
Đối với doanh nghiệp ngoại trừ các tài sản cố định cần có như máy móc, thiết bị, nhà xưởng,…thì doanh nghiệp, tổ chức cần bỏ ra một lượng tiền để mua sắm hàng hóa, nguyên vật liệu,…nhằm phục vụ sản xuất.
Thì vốn lưu động chính là yêu cầu đầu tiên để doanh nghiệp hoạt động, và để bắt đầu hoạt động đầu tiên doanh nghiệp phải đáp ứng được nguồn vốn lưu động.
Ngoài ra, nguồn vốn lưu động còn ảnh hưởng đến quy mô hoạt động. Vì thế, trong kinh doanh các tổ chức và doanh nghiệp phải tự chủ động trong việc sử dụng vốn nên khi muốn mở rộng quy mô, các hoạt động của doanh nghiệp nhất thiết các doanh nghiệp phải huy động một lượng vốn đầu tư.
Ngoài ra, vốn lưu động sẽ giúp doanh nghiệp bạn kịp thời nắm bắt cơ hội và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời, vốn lưu động còn tác động đến giá thành của sản phẩm.
Công thức tính vốn lưu động
Để tính được vốn lưu động, bạn cần so sánh được tài sản ngắn hạn với khoản nợ ngắn hạn của công ty. Cụ thể, bạn có thể tính theo công thức sau:
Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn
Trong đó:
Tài sản ngắn hạn: Là những tài nguyên mà công ty sở hữu có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng 1 năm, bao gồm:
+ Tiền và các khoản tương đương tiền
+ Hàng tồn kho
+ Các khoản thu ngắn hạn
+ Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.
Nợ ngắn hạn: Là các khoản mà công ty phải thanh toán trong vòng 1 năm, bao gồm:
+ Vay và nợ ngắn hạn
+ Phải trả người bán
+ Các khoản thuế nộp cho nhà nước
+ Trả lương người lao động.
Vốn lưu động giúp ta biết được những thông tin gì ?
Nếu tài sản ngắn hạn ít hơn nợ phải trả ngắn hạn thì có nghĩa là doanh nghiệp đang thiếu vốn lưu động và đang phải vật lộn để theo kịp các khoản nợ của mình. Trường hợp thiếu vốn lưu động thì doanh nghiệp có thể phải vay vốn từ ngân hàng để huy động thêm tiền.
Nếu trường hợp tài sản ngắn hạn lớn hơn nợ ngắn hạn, khi đó doanh nghiệp có nhiều tiền để thanh toán các khoản nợ và tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì vậy, tùy thuộc vào loại hình kinh doanh, các công ty sẽ có vốn lưu động âm hay dương.
Bên cạnh, nếu doanh nghiệp có sản phẩm được mua từ nhà cung cấp và ngay lập tức bán được cho khách hàng trước khi công ty thanh toán tiền cho nhà cung cấp. Do vậy, những công ty này sẽ không cần nhiều vốn lưu động.
Ngược lại, nếu trường hợp công ty chuyên sản xuất các loại máy móc thiết bị hạng nặng thường không thể tăng tiền mặt nhanh chóng, vì sản phẩm bán ra trên cơ sở thanh toán dài hạn. Vì vậy, những công ty này cần có nguồn vốn lưu động lớn hơn.
Việc tăng vốn lưu động cho thấy doanh nghiệp đã tăng tài sản hiện tại của mình lên bằng các cách như hoạt động kinh doanh tạo ra lợi nhuận.
Bán tài sản dài hạn, vay dài hạn, đầu tư chủ sở hữu, giảm lượng hàng tồn kho, giảm các khoản nợ hiện tại của doanh nghiệp bằng cách thanh toán hết các khoản nợ ngắn hạn hoặc thay đổi điều khoản thanh toán với nhà cung cấp từ ngắn hạn thành dài hạn.
Phương pháp quản trị vốn lưu động hiệu quả
Việc quản trị vốn lưu động sẽ liên quan đến các việc như: Quản lý hàng tồn kho, các khoản phải thu và phải trả, tiền mặt. Vì vậy để quản trị vốn lưu động tốt bạn cần:
Quản lý tiền mặt
Tiền mặt là tài sản không sinh lời, vì thế doanh nghiệp cần phải tối thiểu hóa lượng tiền mặt nắm giữ. Nhà quản trị tài chính cần xác định số dư tiền mặt cho phép doanh nghiệp đáp ứng được chi phí hằng ngày.
Quản lý hàng tồn kho
Bạn cần xác định được mức tồn kho cho phép sản xuất không bị gián đoạn nhưng vẫn giảm được đầu tư vào nguyên liệu thô giúp tăng dòng tiền. Bên cạnh đó, hàng hóa thành phẩm phải giữ được mức thấp nhất để tránh sản xuất quá mức.
Quản lý khoản phải thu
Hầu hết khách hàng đều muốn kéo dài thời hạn thanh toán, do đó cần phải xác định chính sách tín dụng phù hợp để công ty có thể thực hiện việc thu tiền đối với các hóa đơn hay khoản nợ đến hạn.
Tài chính ngắn hạn
Cần xác định nguồn tài chính phù hợp, theo chu kỳ chuyển đổi tiền mặt.
Hy vọng với những thông tin trên đã giúp bạn nắm được vốn lưu động là gì, cách quản lý nguồn vốn lưu động hiệu quả, hạn chế thấp nhất tình trạng tồn kho. Đồng thời, cần đảm bảo được tài sản ngắn hạn phải lớn hơn khoản nợ ngắn hạn để tăng cơ hội tái đầu tư thúc đẩy doanh nghiệp phát triển vững mạnh nhé.