Bạn đã nghe nhắc nhiều đến NDA nhưng không biết nó là gì hay muốn tìm hiểu kỹ các loại thỏa thuận bảo mật NDA thì hãy theo dõi bài viết sau, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nó.
Nội dung chính
- NDA là gì?
- Những loại thỏa thuận bảo mật NDA
- Mẫu hợp đồng thỏa thuận bảo mật thông tin NDA
- THỎA THUẬN BẢO MẬT
- Điều 1: Không tiết lộ thông tin bảo mật
- Điều 2: Nghĩa vụ của bên tiếp nhận thông tin
- Điều 3: Thời hạn
- Điều 4: Quyền sở hữu
- Điều 5: Không ràng buộc
- Điều 6: Không cho phép
- Điều 7: Bồi thường
- Điều 8: Thỏa thuận trọn vẹn
- Điều 9: Không chuyển nhượng
- Điều 10: Vô hiệu
- Điều 11: Luật áp dụng
- Điều 12: Giải quyết tranh chấp
NDA là gì?
NDA là từ viết tắt của Non – disclosure agreement. Đây là một loại thỏa thuận không tiết lộ thông tin giữa ít nhất hai bên về tài liệu, kiến thức hay các thông tin bí mật mà các bên muốn chia sẻ với nhau vì mục đích chung nhưng cần hạn chế quyền truy cập bởi người thứ ba.
NDA còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như thỏa thuận bảo mật (confidentiality agreement – CA), thỏa thuận việc tiết lộ bí mật (confidential disclosure agreement – CDA), thỏa thuận thông tin độc quyền (proprietary information agreement – PIA) hay thỏa thuận bí mật (secrecy agreement – SA).
Những hình thức phổ biến của NDA là thỏa thuận bảo mật khách hàng của ngân hàng, thỏa thuận bảo mật bí mật kinh doanh, các tài liệu, ý tưởng của doanh nghiệp, chiến lược phát triển công ty,…
Thông thường, thỏa thuận bảo mật thông tin NDA sẽ được ký khi hai công ty, cá nhân hay thực thể đang xem xét kinh doanh, cần phải hiểu được quy trình sử dụng trong kinh doanh của nhau nhằm mục đích đánh giá mối quan hệ kinh doanh tiềm năng.
Những loại thỏa thuận bảo mật NDA
Hiện nay, thỏa thuận bảo mật NDA được chia làm ba loại gồm đơn phương, song phương và đa phương. Mỗi loại đều có những đặc điểm riêng.
NDA đơn phương
NDA đơn phương nghĩa là liên quan đến hai bên, trong khi đó chỉ có một bên (nghĩa là bên tiết lộ) dự kiến tiết lộ một số thông tin nhất định cho bên kia (nghĩa là bên nhận) và yêu cầu thông tin đó phải được bảo mật.
Chẳng hạn như duy trì bí mật cần thiết nhằm mục đích đáp ứng luật sáng chế hay bảo vệ pháp lý cho các bí mật thương mại, nó hạn chế tiết lộ thông tin trước khi đưa ra thông cáo báo chí cho một thông báo chính, hay đơn giản là đảm bảo rằng bên nhận không sử dụng hay tiết lộ thông tin mà không bồi thường cho bên tiết lộ.
NDA song phương
Một NDA song phương liên quan đến hai bên. Theo đó, cả hai bên đều sẽ dự định tiết lộ thông tin cho nhau. Hiện nay, loại NDA này khá phổ biến khi mà các doanh nghiệp đang xem xét liên doanh hay sáp nhập với nhau.
NDA đa phương
Một NDA đa phương có liên quan đến ba hay nhiều bên, trong đó sẽ có ít nhất một bên dự định tiết lộ thông tin cho những bên còn lại và yêu cầu thông tin đó phải được bảo mật.
Đây là loại NDA giúp loại bỏ sự cần thiết phải có NDA đơn phương hay song phương giữa hai bên. Chẳng hạn như một ND đa phương duy nhất được ký bởi ba bên, mỗi bên có ý định tiết lộ thông tin cho hai bên còn lại, có thể được sử dụng thay cho ba NDA song phương riêng biệt giữa bên thứ nhất và bên thứ hai, bên thứ hai và bên thứ ba, bên thứ ba và bên thứ nhất.
Một NDA đa phương sẽ có lợi vì các bên liên quan xem xét, thực thi và thực hiện chỉ một thỏa thuận. Song, muốn có được một thỏa thuận NDA đa phương cần phải thực hiện cuộc đàm phán phức tạp hơn giữa các bên liên quan nhằm đạt được sự đồng thuận, nhất trí về một thỏa thuận đa phương.
Mẫu hợp đồng thỏa thuận bảo mật thông tin NDA
THỎA THUẬN BẢO MẬT
Thỏa Thuận Bảo Mật này (sau đây gọi là “Thỏa Thuận”) được lập và có hiệu lực từ ngày _____________, bởi và giữa các bên:
[TÊN CÔNG TY], một công ty được thành lập và hoạt động theo pháp luật [Tên Quốc Gia], có trụ sở chính tại [Địa chỉ], được đại diện bởi Ông/Bà [Tên đầy đủ của Người đại diện], chức vụ: [chức vụ](Sau đây gọi tắt là “Bên Cung Cấp Thông Tin”)
VÀ
[TÊN CÔNG TY], một công ty được thành lập và hoạt động theo pháp luật [Tên Quốc Gia], có trụ sở chính tại [Địa chỉ], được đại diện bởi Ông/Bà [Tên đầy đủ của Người đại diện], chức vụ: [chức vụ].(Sau đây gọi tắt là “Bên Nhận Thông tin”)
XÉT RẰNG:
(A) Bên Nhận Thông Tin và Bên Cung Cấp Thông Tin mong muốn tham gia vào giao dịch kinh doanh thương mại về [mô tả giao dịch]; và theo đó được tiếp cận thông tin bảo mật và độc quyền nhất định; và
(B) Bên Nhận Thông Tin và Bên Cung Cấp Thông Tin mong muốn thông qua Thỏa Thuận này thiết lập phương thức xử lý đối với tài liệu bảo mật và độc quyền
DO VẬY, TẠI ĐÂY, Các Bên thỏa thuận như sau:
Điều 1: Không tiết lộ thông tin bảo mật
1.1 Hai Bên hiểu và đồng ý rằng Bên Nhận Thông Tin có thể tiếp cận các thông tin bảo mật của Bên Cung Cấp Thông Tin. Cho mục đích của Thỏa Thuận này, “Thông Tin Bảo Mật” nghĩa là các thông tin bảo mật và độc quyền về hoạt động hoặc kinh doanh của Bên Cung Cấp Thông Tin.
1.2 Cho mục đích của Thỏa Thuận này, Thông Tin Bảo Mật không bao gồm các thông tin sau:
1.2.1. Thông tin đang được công khai hoặc sẽ được công khai sau khi ký kết Thỏa Thuận này.
1.2.2. Thông tin mà một bên nhận được một cách hợp pháp từ bên thứ ba không bị hạn chế tiết lộ thông tin và không vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin.
Điều 2: Nghĩa vụ của bên tiếp nhận thông tin
2.1 Bên Nhận Thông Tin sẽ chỉ sử dụng những Thông Tin Bảo Mật cho mục đích thực hiện các công việc theo thỏa thuận giữa Các Bên trừ khi được cho phép khác đi bằng văn bản của Bên Cung Cấp Thông Tin, và sẽ không cung cấp hay tiết lộ bất cứ Thông Tin Bảo Mật cho bất cứ bên thứ ba nào trừ trường hợp đó là nhân viên được Bên Nhận Thông Tin chỉ định thực hiện trực tiếp công việc và cần biết những Thông Tin Bảo Mật đó.
2.2 Bên Nhận Thông Tin phải ngay lập tức thông báo với nhân viên, đại diện, nhà thầu hay nhà tư vấn độc lập được cung cấp Thông Tin Bảo Mật về nghĩa vụ theo Thỏa Thuận này và phải thực hiện những biện pháp cần thiết để đảm bảo tính bảo mật của Thông Tin Bảo Mật sẽ được duy trì theo Thỏa Thuận này.
Điều 3: Thời hạn
3.1 Thỏa Thuận này sẽ có hiệu lực bắt đầu vào ngày ghi tại phần đầu (“Ngày Có Hiệu Lực”) và sẽ hết hạn sau ________ năm kể từ Ngày Có Hiệu Lực, tuy nhiên nghĩa vụ của Bên Tiếp Nhận Thông Tin về việc bảo vệ những Thông Tin Bảo Mật sẽ tồn tại trong thời hạn ________ năm tiếp theo kể từ ngày Thỏa Thuận này chấm dứt.
Điều 4: Quyền sở hữu
4.1 Bên Nhận Thông Tin đồng ý rằng tất cả Thông Tin Bảo Mật do Bên Cung Cấp Thông Tin cung cấp sẽ vẫn thuộc quyền sở hữu riêng của Bên Cung Cấp Thông Tin.
Điều 5: Không ràng buộc
5.1 Các Bên hiểu rằng Thỏa Thuận này được ký kết một cách riêng biệt cho mục đích trao đổi Thông Tin Bảo Mật và Các Bên cũng không bị ràng buộc theo bất kỳ khía cạnh nào phải tham gia vào bất kỳ mối quan hệ kinh doanh nào trong tương lai.
Điều 6: Không cho phép
6.1 Không Bên nào cấp cho bên kia bất kỳ sự cho phép nào, ngụ ý hay bằng cách thức nào khác, để sử dụng Thông Tin Bảo Mật ngoại trừ được quy định trong Thỏa Thuận này.
Điều 7: Bồi thường
7.1 Tất cả thông tin do Bên Cung Cấp Thông Tin cung cấp cho Bên Nhận Thông Tin đều là tài sản độc quyền của Bên Cung Cấp Thông Tin. Thông Tin Bảo Mật phải được xử lý theo các điều khoản và hạn chế quy định tại Thỏa Thuận này. Bên Nhận Thông Tin không được sử dụng, phổ biến hoặc trong bất kỳ cách nào tiết lộ bất kỳ Thông Tin Bảo Mật cho bất kỳ người, công ty hoặc doanh nghiệp nào khác ngoại trừ trong phạm vi cho phép của Thỏa Thuận này.
Điều 8: Thỏa thuận trọn vẹn
8.1 Thỏa Thuận này cấu thành một tổng thể Thỏa Thuận giữa Các Bên về nội dung quy định tại đây và bao hàm tất cả các cuộc thảo luận trước của các Bên về Thông Tin Bảo Mật. Thỏa Thuận này sẽ không được sửa đổi ngoại trừ có Thỏa Thuận bằng văn bản sau ngày có hiệu lực của Thỏa Thuận này được ký bởi Bên Cung Cấp Thông Tin và Bên Nhận Thông tin.
Điều 9: Không chuyển nhượng
9.1 Không Bên nào được phép chuyển nhượng và/hoặc chuyển giao quyền, lợi ích và nghĩa vụ theo Thỏa Thuận này cho người khác mà không có sự đồng ý trước bằng văn bản của Bên kia.
Điều 10: Vô hiệu
10.1 Mỗi điều khoản trong Thỏa Thuận này đều riêng biệt và có thể chia tách được. Trong phạm vi mà bất kỳ điều khoản riêng biệt của Thỏa Thuận này bị xem là vô hiệu, bất hợp pháp hoặc không thể thực hiện, thì sẽ không ảnh hưởng hoặc làm giảm hiệu lực tiếp tục của việc thực hiện Thỏa Thuận này.
Điều 11: Luật áp dụng
11.1 Hiệu lực, việc áp dụng, giải thích và thực hiện Thỏa Thuận này được điều chỉnh và được hiểu theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 12: Giải quyết tranh chấp
12.1 Bất kỳ tranh chấp hoặc khiếu nại phát sinh hoặc liên quan đến Thỏa Thuận này bao gồm bất kỳ vấn đề gì liên quan đến sự hình thành, hiệu lực hoặc chấm dứt Thỏa Thuận này sẽ được giải quyết thông qua đàm phán hòa giải giữa các Bên.
ĐỂ LÀM BẰNG CHỨNG, Thỏa Thuận này được lập vào ngày được nêu ở phần đầu và được lập thành hai (02) bản bằng Tiếng Việt. Mỗi Bên giữ một (01) bản.
ĐẠI DIỆN BÊN CUNG CẤP THÔNG TIN________________________
[Tên đầy đủ] [Chức vụ]ĐẠI DIỆN BÊN NHẬN THÔNG TIN________________________
[Tên đầy đủ] [Chức vụ]Trên đây là một số chia sẻ giúp bạn hiểu rõ hơn về NDA, những loại thỏa thuận bảo mật NDA và mẫu hợp đồng thỏa thuận bảo mật NDA. Hi vọng qua đây giúp bạn hiểu rõ hơn về NDA và áp dụng nó một cách hiệu quả nhất.